Mụn là kẻ thù không đội trời chung của da mặt. Chúng không chỉ là vết sưng đỏ đến rồi đi, mà bám dai dẳng và để để lại những vết thâm mụn hoặc sẹo cực kỳ khó coi trên da mặt.
Vết thâm mụn được hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có nguyên nhân trực tiếp, cũng có những nguyên nhân gián tiếp. Ước tính, thời gian trung bình để da một người bình thường có thể tự sản sinh tế bào làm mờ vết thâm mụn dao động khoảng 6 tháng, nhưng có trường hợp kéo dài đến vài năm. Bởi quá trình này phụ thuộc theo thói quen sinh hoạt và điều trị thích hợp.
Vậy nên, nếu không nắm rõ nguyên nhân và cơ chế gây mụn và vết thâm mụn, nhiều người sẽ không thể chữa khỏi sạch hết mụn và các vết thâm mụn ngày càng lan rộng và khó chữa trị.
TS.BS Vũ Thái Hà - Chuyên gia da liễu, thẩm mỹ cho hay có 4 nguyên nhân chính gây ra mụn trên mặt: tăng bã nhờn, sừng hóa lỗ chân lông, viêm do vi khuẩn trên da và nhiễm khuẩn. 4 cơ chế đó sẽ gây ra mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc, mụn viêm... tùy theo các tác nhân tham gia.
Mụn không chỉ là vết sưng đỏ mà gây ra tổn thương viêm, gây kích thích tăng sinh sắc tố, từ đó tạo thành vết thâm. Mặt khác, tổn thương da do mụn gây kích thích tiêu hủy collagen, gây ra sẹo lõm, hoặc có gây ra tái tạo tổ chức, và khi tái tạo quá mức thì gây sẹo lồi, tùy theo vị trí bị mụn, như vùng ngực và góc hàm thì mụn dễ gây sẹo lồi, còn mụn ở giữa mặt sẽ dễ tạo ra sẹo lõm.
Nếu chăm sóc mụn không tốt như bóp, nặn quá nhiều, không vệ sinh thì tình trạng thâm, sẹo lồi hoặc lõm càng dễ xảy ra. Cách chăm sóc hiệu quả là khi bị mụn rồi phải ngăn chặn ngay tình trạng viêm, kiểm soát hoàn toàn được tình trạng thâm, sẹo. Khi bị mụn phải nghe theo tư vấn của bác sĩ da liễu, giữ da thật sạch và cân bằng đúng cách.
Bác sĩ cho biết, rửa mặt quá nhiều lần trong ngày tưởng làm sạch mụn, thực chất lại làm mất cân bằng cho da, khiến da càng khô, da càng hoạt động mạnh cơ chế tiết dầu thì càng gây ra mụn. Ngoài ra, việc tự ý cậy, nặn mụn gây ra tình trạng thâm, sẹo tồi tệ. Cần sử dụng thuốc bôi, uống đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được sai cách hoặc bỏ thuốc giữa chừng cũng khiến tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ tái phát cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thêm, việc ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, ít rau xanh, sinh hoạt động điều độ như thức khuya.... khiến cơ thể dễ bị nổi mụn. Khi bị mụn, trước hết cần kiểm tra chế độ ăn, xem ăn đủ lượng đạm chuẩn chưa, đủ axit amin tham gia vào quá trình tái tạo collagen hay không. Cơ thể khi thiếu hụt dinh dưỡng sẽ làm da bị khô gây mụn, cụ thể chế độ ăn thiếu axit béo không no cần thiết như DHA sẽ làm cấu trúc da không được tốt. Thiếu vi chất viatmin C, E tạo điều kiện da dễ bị mụn. Hoặc nhiều người ăn cay nóng, lại không ăn hoặc ăn ít rau xanh, quả chín dẫn đến mất cân đối,… sẽ thúc đẩy nhiều mụn hơn.
Theo các chuyên gia da liễu, với tình trạng thâm da do mụn như vậy, chúng ta phải sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi những tác hại tiêu cực từ ánh nắng mặt trời, không để các vết thâm càng thâm hơn. Vì các vết thâm là hiện tượng tăng sắc tố sau viêm, khi ánh nắng mặt trời càng chiếu vào thì các vết thâm đó càng rõ thêm. Bên cạnh đó, nên sử dụng các sản phẩm vừa có tác dụng trị mụn, trị thâm... Ngoài ra sử dụng các biện pháp như xử lý hóa chất để tái tạo da, trẻ hóa da, giảm nguy cơ thâm, ức chế tăng sinh sắc tố. Hoặc sử dụng công nghệ laser, tuy nhiên phải sử dụng hết sức cẩn trọng nếu không dễ bị tác dụng ngược.
Nguồn: SKĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét